Kè sông, âu thuyền, hồ điều hòa, đường nối được xây dựng 8 năm qua với tổng vốn hơn 10.000 tỷ đồng giúp TP Cần Thơ chống ngập, triều cường.
Kè sông Cần Thơ tại khu vực chợ nổi Cái Răng thuộc dự án kè sông Cần Thơ - ứng phó biến đổi khí hậu, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Dự án dài gần 5,2 km, qua quận Ninh Kiều, Phong Điền và bờ đối diện phía quận Cái Răng, tổng mức đầu tư 1.090 tỷ đồng, từ nguồn vay vốn ODA của Cơ quan phát triển Pháp và vốn đối ứng địa phương, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Ngoài bờ kè chống sạt lở, chính quyền còn di dời các công trình lấn chiếm để thoát lũ, an toàn giao thông đường thủy trên sông Cần Thơ, nhất là khu vực chợ nổi Cái Răng
Địa phương xây dựng bãi tập kết, cầu tàu tại bờ kè phía quận Cái Răng, nối thông với đường bộ (ngay khu vực chợ nổi) để xe tải, ghe, thuyền thuận tiện lên xuống hàng hóa.
Tiếp nối là đoạn kè sông Cần Thơ dài 5,4 km bắt đầu từ cầu Cái Sơn đến nhà khách số 2, thuộc quận Ninh Kiều, triển khai năm 2016, mức đầu tư 750 tỷ đồng. Công trình vừa hoàn thành hồi tháng 6, có vai trò chống ngập lụt, bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố.
Đây là một trong các công trình thuộc Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị được phê duyệt năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư gần 9.200 tỷ đồng, nhằm kiểm soát ngập cho gần 2.700 ha trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, bảo vệ hơn 420.000 dân.
Ông Nguyễn Văn Ngơi, 80 tuổi, ở quận Ninh Kiều thường ra bờ kè sông Cần Thơ hóng mát khi chiều về. "Công trình được xây chắc chắn, khang trang, chúng tôi không còn lo lắng bị sạt lở như trước", ông Ngơi nói.
Âu thuyền Cái Khế tại đầu rạch Khai Luông, thuộc quận Ninh Kiều, gồm 3 van chính (mỗi van nặng 35 tấn, chiều ngang 20 m, cao 6 m) và một van 5 m (nặng 5 tấn), vừa hoàn thành sau hai năm xây dựng.
Với kinh phí 436 tỷ đồng, công trình được thiết kế như hệ thống khóa và xả điều tiết lượng nước vào mùa mưa. Khi cần chống ngập cho trung tâm thành phố, ba khoang cống sẽ đóng lại, ngăn nước từ sông Cần Thơ tràn vào.
Đây cũng là hạng mục thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị.
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban quản lý dự án ODA TP Cần Thơ (chủ đầu tư) cho biết trước đây, các tuyến đường trung tâm TP Cần Thơ như: Lý Tự Trọng, Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 2, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Cường, Đề Thám, khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng... thường ngập gần 0,5 m mỗi khi triều cường đạt đỉnh, ảnh hưởng hàng nghìn hộ dân. Âu thuyền vận hành giúp trung tâm Cần Thơ thoát ngập dù triều cường đạt đỉnh 15-16 cm.
Đường nối quốc lộ 91 đến tỉnh lộ 918 qua quận Bình Thủy dài 5,3 km, rộng 40 m, vốn đầu tư trên 550 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành sau 6 năm thi công. Công trình cũng thuộc dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, có độ cao so với mặt nước là 2,83 m, nằm trong hệ thống đê bao chống ngập, bảo vệ vùng lõi, khu vực trung tâm thành phố (bên phải, thuộc quận Bình Thủy, Ninh Kiều).
Nguồn: Vnexpress.net